Đây là một bài viết từ trang Viviblog và đã đươc Hotcourse chia sẻ, tự thấy bài này là một bài có thông tin hữu ích cho các bạn. Lời tự truyện của tác giả cũng nhẹ nhàng, giúp các bạn tiếp nhận “thực tế gian truân khi học Thạc Sỹ tại Phần Lan” cũng dễ dàng hơn.
Tuy tác giả đề cập đến nhiều khó khăn khi theo đuổi con đường học vấn tại Phần Lan, nhưng không phải vì thế mà bỏ cuộc hay lùi bước. Cần cù chăm chỉ và một chút tự tin, bạn sẽ sớm vượt qua thử thách thôi!!!
Đi du học, bạn chắc chắn sẽ rất ấn tượng với những môn học đầu tiên và phương pháp học tập nơi xứ lạ. Trang Vivi, blogger chuyên viết những bài viết về đời sống và học tập tại Phần Lan cũng có bài viết (cũng lưu ý là tác giả viết bài này khi học chương trình Thạc Sỹ tại Phần Lan)
Một học kỳ dài hơn ba tháng (từ tháng 9 đến cuối tháng 12) ở Đại học Phần Lan thường được chia làm hai giai đoạn. Sinh viên thường đăng ký môn học riêng cho từng giai đoạn và thi kết thúc ngay sau đó. Có một vài môn học yêu cầu nhiều thời gian lên lớp và thực hành sẽ kéo dài trong cả học kỳ.
Giai đoạn đầu tiên của năm học có lẽ là giai đoạn “dễ thở” nhất đối với tôi nếu tính theo số lượng môn học đăng ký. Tôi chỉ đăng ký hai môn bắt buộc và hai môn ngoại ngữ (Tiếng Phần và Tiếng Anh). Sinh viên học thạc sỹ ở Phần Lan bắt buộc phải học 10 tín chỉ ngoại ngữ bao gồm hai ngôn ngữ do họ tự chọn. Đối với chúng tôi dễ nhất là chọn học các môn tiếng Anh về giao tiếp, văn hóa, và kỹ năng thuyết trình hơn là các ngôn ngữ khác thường được dạy ở trình độ cao hơn chứ không phải beginner (người mới bắt đầu).
Hai môn còn lại là hai môn nền tảng cho chương trình học thạc sỹ của tôi. Thời gian học trên lớp không nhiều nhưng tài liệu đọc và tham khảo thì vô cùng lớn. Cứ sau mỗi bài giảng, chúng tôi lại nhận được danh sách các bài báo (articles) cần đọc bên cạnh hai cuốn sách giáo trình dài 300-400 trang.
Mỗi bài báo thường dài tầm 20 trang và mỗi buổi học chúng tôi phải đọc tầm năm bài như vậy. Tiếng Anh ở đây không hề giống như tiếng Anh tin tức kinh tế hàng ngày mà mang tính học thuật rất cao. Tôi nhớ tuần thứ hai đi học, có một bài báo viết về “dynamic capabilities” (tạm dịch năng lực hoạt động) của công ty mà tôi đọc cả tối mà vẫn không hiểu được ý của tác giả. Thực sự cầm tờ báo trên tay mà tôi chỉ muốn xé nó đi. “Dynamic Capabilities” là một cơn ác mộng theo đuổi tôi cả một năm đầu tiên mỗi lần nghe thấy hai từ đó.
Cũng phải nói thêm là khi mới vào chương trình, hầu như sinh viên ai cũng gặp phải vấn đề đó. Mỗi sáng chúng tôi đến lớp và hỏi nhau đã đọc articles chưa? Mặt ai cũng nghệt ra và hỏi xem mọi người đọc như thế nào cho hiệu quả. Rất may là, các thầy cô cũng nhận ra điều này nên trong một môn, họ chia sinh viên theo nhóm và yêu cầu mỗi nhóm thuyết trình về một bài báo nhất định. Cách làm này giúp cho sinh viên vừa làm quen với việc thuyết trình, làm việc theo nhóm, vừa giúp họ học cách đọc article một cách hiệu quả nhất.
Mỗi môn học chính như thế này thường có nhiều hơn một giáo viên dạy. Thứ nhất bởi lượng sinh viên khá đông nên giáo viên cần chia nhau ra để hỗ trợ sinh viên trong lớp học. Thứ hai, với mỗi chủ đề khác nhau, một giáo viên chuyên về lĩnh vực đó sẽ đứng lên giảng bài và như vậy sẽ tốt hơn cho sinh viên vì họ có thể học được từ người có kiến thức sâu nhất đồng thời có thể tiếp cận với nhiều quan điểm và phương pháp dạy học khác nhau. Theo kinh nghiệm của tôi, học tốt hai môn học này khiến các môn học khác trong chương trình trở nên dễ dàng hơn.
Làm việc nhóm là một phần không thể thiếu trong việc học đại học ở Phần Lan. Hầu như môn nào (kể cả ngoại ngữ) chúng tôi cũng làm việc theo nhóm. Vì thế, phương thức tính điểm thông thường sẽ là 50% điểm thi và 50% assignment (nhóm và cá nhân). Một nhóm có từ 3-5 người và mỗi người đến từ một nước. Nếu môn học có nhiều sinh viên Phần Lan thì có thể có tới hai bạn Phần Lan.
Bí quyết thuyết trình thành công
Đối với hai môn học chính, chúng tôi không được phép chọn người vào nhóm mà giáo viên chọn ngẫu nhiên để đảm bảo sự đa dạng văn hóa trong một nhóm giúp cho sinh viên nâng cao kỹ năng học tập và sau này là làm việc trong môi trường quốc tế. Những môn học khác, chúng tôi được quyền tự chọn bạn nhưng việc này phải cân nhắc rất kỹ chứ không phải chọn cho xong.
Môn học về chiến lược kinh doanh quốc tế là một trong số hai môn tôi học đầu tiên. Đây là một môn rất nặng, kéo dài cả học kỳ và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một là nghe bài giảng giáo viên và phần hai là nhóm thuyết trình. Project (dự án) được bắt đầu từ đầu năm và dựa trên những project về kinh tế thực tế đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi mỗi nhóm chon ra một đề tài từ đó.
Phải thừa nhận rằng ngay từ ban đầu, việc học hành đã không hề dễ dàng một chút nào. Vốn tiếng Anh chuẩn bị từ Việt Nam của tôi có thể đã là không đủ để bắt đầu. Dù bạn có tin hay không thì đạt được 6.5 IELTS không có nghĩa là tiếng Anh của bạn đã sẵn sàng cho một chương trình thạc sỹ. Khó khăn về ngôn ngữ cộng thêm với cách thức học tập mới và môi trường mới dẫn đến stress trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày học đầu tiên của tôi.
Kinh nghiệm luyện thi IELTS speaking
Kinh nghiệm chọn giáo viên, lớp học IELTS
Bí quyết luyện thi đọc IELTS
Ngẫm nghĩ lại tôi có lời khuyên cho các bạn sắp đi du học hoặc có ý định đi du học đó là các bạn nên đọc thật nhiều tài liệu tiếng Anh và tìm hiểu cách học tập và nghiên cứu thật kỹ bằng tiếng Anh và môi trường học tập ở nước sở tại trước khi lên đường. Không ngừng nỗ lực và học hỏi sẽ thay vì chán nản và tiêu cực sẽ giúp các bạn vượt qua những thử thách trong giai đoạn làm quen với môi trường học tập mới.
TRANG VIVI
Theo : Hotcoursevietnam